Thời kỳ Đền thờ Thứ hai Thiên thần sa ngã

Khái niệm về thiên thần sa ngã được tìm thấy chủ yếu trong các tác phẩm có niên đại vào thời kỳ Đền thờ Thứ hai, tức là vào khoảng thời gian từ năm 540 TCN đến năm 70 CN. Những tác phẩm này bao gồm Sách Hê-nóc, Sách Jubilee, Kinh Đại lực sĩ từ Qumran hay cũng có thể là Sáng thế ký 6:1-4.[7] Sách Daniel thứ tư có 3 lần đề cập tới một thực thể đến từ thiên đàng gọi là "Canh thức", 2 lần ở số ít (câu 13, 23) và một lần ở số nhiều (câu 17, "[…] các vị canh thức, […] các bậc thánh nhân"). Trong tiếng Hy Lạp cổ đại, từ dùng để chỉ các Canh thức là ἐγρήγοροι (egrḗgoroi, số nhiều là egrḗgoros), có nghĩa đen là "tỉnh táo" hay "cảnh giác".[8] Một số học giả cho rằng truyền thuyết của người Do Thái về những thiên thần sa ngã rất có thể đã xuất hiện và thậm chí ghi chép lại dưới dạng văn bản trước khi Sáng thế ký 6:1–4 được viết nên.[9][10][lower-alpha 2] Theo sách Hê-nóc, những vị Canh thức này đã "sa ngã" sau khi "phải lòng" phụ nữ phàm trần. Sách Hê-nóc thứ hai (hay còn gọi là Sách Enoch Slav) cũng đề cập tới những sinh vật tương tự, gọi là Grigori theo phiên âm tiếng Hy Lạp.[11] Đối chiếu với các Sách Hê-nóc khác thì thiên thần sa ngã đóng vai trò ít quan trọng hơn trong Sách Hê-nóc thứ ba. Cuốn này chỉ đề cập tới 3 thiên thần sa ngã duy nhất là Azâzêl, Azza và Uzza. Tương tự như những gì ghi chép trong sách Hê-nóc thứ nhất, những thiên thần này truyền dạy pháp thuật phù thủy ở trần gian, dẫn đến sự tha hóa.[12] Tuy nhiên, tác phẩm này không hề đề cập tới nguyên do tại sao họ "sa ngã". Cũng theo sách Enoch thứ ba, 4:6, họ sau đó đã xuất hiện trên thiên đàng để phản đối sự hiện diện của Hê-nóc.

Sách Hê-nóc thứ nhất

Xem thêm: 1 Hê-nóc
Chester Beatty XII, Bản chép tay tiếng Hy Lạp của Sách Hê-nóc, thế kỷ 4.

Chiếu theo 1 Hê-nóc 7.2, những Canh thức đã "phải lòng" phụ nữ phàm trần[13] và có quan hệ tình ái với họ. Những đứa con được sinh ra từ những mối tình này, cũng như với kiến thức mà chúng được ban cho, làm bại hoại trần gian và nhân loại (1 Hê-nóc 10:11-12).[13] Trong số những thiên thần này, thủ lĩnh Shemyaza và Azâzêl là nổi bật hơn cả. Tương tự nhiều thiên thần sa ngã khác được đề cập trong 1 Hê-nóc 8:1-9, Azâzêl truyền dạy "cấm thuật" cho con người. Cũng chính Azâzêl đã bị Hê-nóc quở trách vì đã dạy cho con người làm những điều bất chính (1 Hê-nóc 13:1).[14] Theo 1 Hê-nóc 10:6, Thiên Chúa đã sai Tổng lãnh thiên thần Raphael xích và giam cầm Azâzêl trong sa mạc Dudael. Thêm vào đó, Azâzêl đã bị buộc tội vì khiến trần gian tha hóa:

"Và toàn cõi trần gian vì những lời giáo huấn từ Azâzêl mà trở nên bại hoại. Hãy để cho y phải gánh chịu tất cả tội ác."

— 1 Hê-nóc 10:12

Một cách diễn giải dựa trên thuyết nguyên nhân về 1 Hê-nóc có liên quan tới khởi nguyên của cái ác. Bằng cách đùn đẩy ngọn nguồn tội lỗi của nhân loại sang những lời chỉ dẫn phi pháp của thiên thần, cái ác được quy cho một thứ siêu nhiên đến từ bên ngoài. Mô-típ về cái ác trong 1 Hê-nóc khác với thần học Do Thái và Thiên Chúa giáo sau này, khi mà cái ác là thứ gì đó xuất phát từ bên trong.[15] Theo một cách giải thích mẫu hình, 1 Hê-nóc có lẽ đề cập đến những cuộc hôn nhân phi pháp giữa thầy tế và phụ nữ. Cụ thể là trong sách Lêvi 21:1-15, thầy tế chỉ được phép lấy con gái mình còn đồng trinh làm vợ. Theo đó, những thiên thần sa ngã được đề cập đến trong 1 Hê-nóc là những thấy tế đã khiến bản thân ô uế vì kết hôn với phụ nữ không còn trinh.[lower-alpha 3] Giống như việc thiên thần bị trục xuất khỏi thiên đàng, những giáo sĩ này bị ngăn cấm cử hành lễ trên điện thờ. Khác với những tác phẩm về Khải huyền khác, 1 Hê-nóc phản ánh sự bất mãn ngày càng tăng đối với những tổ chức tư tế ở Jerusalem vào thế kỷ thứ 3 TCN. Cách giải thích mẫu hình so sánh truyền thuyết Adam và nguồn cội của cái ác: Trong cả hai trường hợp, việc vượt qua những giới hạn cố hữu trong bản chất cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự sa ngã. Cách giải thích này trái ngược cách giải thích dựa trên thuyết nguyên nhân, ám chỉ trên thiên đàng còn có một thế lực khác ngoài Thiên Chúa. Lời giải này thiếu phù hợp với tư tưởng độc thần.[16] Mặt khác, sự xuất hiện của những nguồn kiến thức trái phép có lẽ phản ánh tới sự từ chối văn hóa Hy Lạp ngoại lai của người Do Thái lúc bấy giờ. Theo đó, những thiên thần sa ngã tượng trưng cho những nhân vật trong thần thoại Hy Lạp đã truyền dạy những cấm thuật mà các vị vua và tướng lĩnh Hy Lạp sử dụng để đàn áp người Do Thái.[17]

Sách Hê-nóc thứ hai

Khái niệm về thiên thần sa ngã cũng xuất hiện trong Sách Hê-nóc thứ hai. Tác phẩm miêu tả Hê-nóc thăng thiên qua các tầng trời. Trong chuyến hành trình của mình, ông đã chạm trán những thiên thần sa ngã đang bị giam cầm ở tầng trời thứ hai. Ông vốn ban đầu đã có ý muốn cầu nguyện cho họ, nhưng sau đó đã từ bỏ ý định này khi bản thân ông chỉ là một con người, không xứng để cầu nguyện cho các thiên thần. Ở tầng trời thứ năm, ông lại tiếp tục diện kiến những thiên thần nổi loạn khác được gọi là Grigori, vì đang quá đau buồn mà không hòa chung tiếng hát cùng những vị thần khác trên thiên đàng. Hê-nóc đã cố gắng làm cho họ vui lên khi kể lại những lời cầu nguyện mà ông đã dành cho các thiên thần khác. Ngay sau khi Hê-nóc kể xong, họ đã quyết định tham gia nghi thức tế lễ trên thiên đàng.[18]

Đáng chú ý, dựa theo tác phẩm này thì thủ lĩnh của Grigori là Satanail chứ không phải là Azâzêl hay Shemyaza như được ghi chép trong các Sách Hê-nóc khác.[19] Tuy vậy, các grigori này được xác định là các Canh thức trong 1 Hê-nóc.[20][21]

Câu chuyện trong 2 Hê-nóc 18:1–7 về những Grigori đã xuống cõi trần gian, kết hôn với phàm nhân và "làm nhơ bẩn trần gian bằng những việc làm của chúng", khiến họ bị đem nhốt dưới đất. Chi tiết này cho thấy tác giả của 2 Hê-nóc biết về câu chuyện được ghi lại trong 1 Hê-nóc.[19] Trong phiên bản 2 Hê-nóc được hiệu đính, chương thứ 29 đề cập tới những thiên thần bị "đuổi khỏi đỉnh cao" khi thủ lĩnh của họ cố gắng ngang hàng với quyền năng của Thiên Chúa (2 Hê-nóc 29:1–4). Đây vốn có lẽ là một ý tưởng được vay mượn từ truyền thuyết về Attar, người cố gắng chiếm đoạt ngai vị của thần Baal, trong tôn giáo Canaan cổ đại. Việc miêu tả thiên thần Satanail như một vị thần đang cố gắng đoạt lấy ngai vị từ một vị thần cao hơn cũng được áp dụng bởi Cơ đốc giáo sau này khi miêu tả về thất bại của Satan.[22]

Jubilee

Bài chi tiết: Sách Jubilee

Sách Jubilee là một tác phẩm tôn giáo cổ của người Do Thái, được Giáo hội Chính thống Ethiopia và Beta Israel chấp nhận là kinh điển. Tác phẩm có đề cập đến các Canh thức là những người nằm trong số các thiên thần được tạo ra ngay từ ngày đầu tiên.[23][24] Tuy nhiên, khác với sách Hê-nóc thứ nhất, các vị Canh thức được Thiên chúa truyền lệnh xuống trần gian hướng dẫn loài người.[25][26] Chỉ sau khi quan hệ ái tình với phụ nữ phàm trần, họ mới vi phạm thiên quy.[27] Các cuộc hôn nhân phi pháp này đã sản sinh nên những đứa con của ma quỷ, những kẻ phải giao chiến lẫn nhau cho đến chết, trong khi các Canh thức bị phạt trói ở sâu dưới lòng đất.[28] Trong Jubilee 10:1, một thiên thần khác tên là Mastema xuất hiện với tư cách là thủ lĩnh của những linh hồn ma ác.[27] Y đã cầu xin Thiên Chúa tha thứ một vài ác quỷ để có thể sử dụng sự giúp đỡ của chúng nhằm dẫn dắt nhân loại bước vào con đường tội lỗi. Và rồi y trở thành thủ lĩnh của chúng:[27]

[Hỡi] Thiên Chúa, Đấng sáng thế, hãy để một số kẻ trong số chúng ở lại đây với ta, hãy để chúng nghe lời ta và làm tất cả những gì ta sẽ nói với chúng; vì nếu một số người trong số họ không được để lại cho ta, ta sẽ không thể thi triển quyền lực theo ý muốn lên những đứa con của loài người; những điều này là sự tha hóa, dẫn đến sự lầm lạc trước sự phán xét của ta, vì sự gian ác của hậu duệ loài người là cực lớn. (10:8)

Cả sách Hê-nóc thứ nhất lẫn sách Jubilee đều chứa đựng mô-típ thiên thần truyền cái ác cho con người. Tuy nhiên, khác với sách Hê-nóc, sách Jubilee không cho rằng sự sa ngã ngay từ đầu của các thiên thần đã tạo nên cái ác, dù sách cũng khẳng định rằng họ đã dẫn dắt con người đi theo con đường tội lỗi. Thêm vào đó, trong khi những thiên thần sa ngã trong sách Hê-nóc hành xử đối nghịch với ý muốn của Thiên Chúa, những thiên thần sa ngã và ác quỷ trong sách Jubilee dường như không có quyền hành độc lập với Thiên Chúa mà chỉ hành động trong phạm vi quyền uy của Ngài.[29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiên thần sa ngã http://jewishencyclopedia.com/articles/10177-lucif... http://jewishencyclopedia.com/view.jsp?artid=24&le... http://www.sacred-texts.com/bib/bep/bep02.htm http://perseus.uchicago.edu/cgi-bin/philologic/get... http://www.almuslih.org/Library/Reed,%20A%20-%20Fa... //dx.doi.org/10.1163%2F1573-3912_ei3_COM_23204 //dx.doi.org/10.1163%2F9789004319288_008 //dx.doi.org/10.2307%2F25765960 //dx.doi.org/10.2307%2F3266192 //www.jstor.org/stable//j.ctt1dxg867